Bên cạnh bữa ăn chính và các bữa dặm, hàng ngày mẹ cũng phải đối mặt với việc trẻ đòi ăn nhiều đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe. Những gợi ý dưới đây sẽ giúp mẹ đáp ứng được nhu cầu ăn vặt của bé, nhưng vẫn ngon miệng và đảm bảo sức khỏe.
Đồ ăn vặt cho bé 1 tuổi
Đây là giai đoạn bé bắt đầu có nhu cầu ăn vặt bởi lẽ lúc này, tốc độ phát triển cơ thể của bé đã chậm lại và chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Để tránh trường hợp bé ăn phải những đồ ăn vặt không tốt như bánh kẹo chứa quá nhiều đường hóa học, mẹ có thể tham khảo những món ăn vặt ngon bổ dưỡng cho bé dưới đây cho bé.
- Trứng: trứng được liệt kê vào danh sách các thực phẩm bé có thể ăn bất cứ lúc nào (kể cả bữa chính, bữa phụ hay ăn vặt). Chất dinh dưỡng có trong thực phẩm này thì hẳn ai cũng biết. Vì thế, mẹ có thể rán trứng và cắt thành từng sợi dài cho bé dễ cầm ăn, hoặc cho bé ăn trứng luộc dầm nhỏ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không nên cho bé ăn quá nhiều trứng một cách thường xuyên vì dễ gây ra tình trạng vàng da.
- Trái cây tươi: Đây hẳn là một món ăn vặt mà mẹ nên tăng cường cho bé để cung cấp thêm vitamin và các khoáng chất cho cơ thể của trẻ. Chuối, bơ, táo, đu đủ,… là những loại quả rất tốt đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Mẹ có thể cắt hoa quả thành các lát mỏng cho bé dễ cầm và ăn. Lưu ý là việc ăn trái cây miếng sẽ giúp bé hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả hơn nước ép.

- Sốt táo: đây là món ăn giúp bé có thể ăn được nhiều trái cây hơn, và không chứa nhiều các chất độc hại cho cơ thể như nhiều thực phẩm đóng chai khác. Hoặc cách tốt nhất, mẹ có thể học cách chế biến sốt táo ở nhà và tự mua táo tươi về chế biến cho bé để đảm bảo hơn.
- Phomai: thực phẩm được rất nhiều trẻ em yêu thích bởi hương vị thơm ngon béo ngậy, và mẹ cũng không phải lo lắng về chất lượng dinh dưỡng có trong phomai. Thực phẩm này là chế phẩm từ sữa, có nhiều canxi tốt cho xương và răng của bé, mẹ có thể cho bé ăn hàng ngày với loại phomai viên nhỏ hoặc phomai sợi.
- Khoai tây: không phải là khoai tây chiên như các mẹ vẫn nghĩ, mà là khoai tây cắt nhỏ và luộc chín. Dù không được nhiều bạn nhỏ thích thú, nhưng khoai tây luộc thực sự là một món ăn vặt đáng để mẹ cho bé ăn bởi hàm lượng chất dinh dưỡng cao.
Đồ ăn vặt cho bé 18 tháng tuổi trở lên
Ở độ tuổi này, bé đã có thể ăn những thực phẩm cứng như bánh quy hoặc các loại rau củ cắt miếng. Mẹ có thể dựa vào đó để lên thực đơn ăn vặt cho bé hàng ngày với các món ăn được gợi ý dưới đây.
- Bánh quy xoắn nhạt, ít muối và đường.
- Chuối chín.
- Bánh mỳ lát: nhiều bé cực kì thích ăn bánh mỳ và mẹ cũng không cần phải cấm bé loại thực phẩm này vì bánh mỳ hầu như không có tác hại tới đường ruột cũng như răng miệng của bé. Mẹ có thể bổ sung thêm phomai hoặc bơ đậu phộng phết lên bánh mỳ để tăng thêm khẩu vị và giá trị dinh dưỡng cho món ăn.

- Ngũ cốc không đường: Không phải món ngũ cốc được mẹ pha với nước ấm để cho bé ăn ngay từ khi còn sơ sinh đâu. Món ngũ cốc không đường này là cho bé ăn nhặt và ăn vã từng hạt một, không phải nấu hay chế biến thêm gì khác.
- Bánh gạo và bánh mỳ vòng không vị: Hãy nhớ rằng trẻ em không nên cho ăn đồ ăn quá mặn hoặc nhiều đường để đảm bảo chức năng thận của bé cũng như bé sẽ không bao giờ bị thừa cân béo phì. Vì vậy, các đồ ăn vặt như bánh gạo hay bánh mỳ vòng không vị có thể giúp mẹ cho bé ăn một cách dinh dưỡng, đồng thời khiến bé thích thú khi được cầm trên tay những đồ ăn có hình thù đẹp.
Như vậy, với những gợi ý trên đây, hi vọng mẹ đã có thêm những lựa chọn cho mình trong việc cho bé ăn vặt. Đừng nghĩ trẻ em ăn vặt là xấu, nó tùy thuộc vào việc mẹ sẽ cho bé ăn những thực phẩm như thế nào.
Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh với những chế độ ăn vặt tốt cho sức khỏe!
Tổng hợp: Thanh Thủy