Bé chán ăn lâu ngày nguyên nhân do đâu? Mẹ nên và không nên làm gì để cải thiện tình trạng bé chán ăn? Các mẹ cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Trẻ biếng ăn luôn là nỗi lo lắng thường trực của các mẹ. Biếng ăn lâu ngày có thể dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, hay ốm vặt, đề kháng kém hơn và sự phát triển của trẻ cũng không được đảm bảo. Giải quyết được tình trạng bé chán ăn, lười ăn này, các mẹ nên dành thời gian quan sát và tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn để có giải pháp hợp lý.
Bé chán ăn nguyên nhân do đâu?
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé chán ăn. Trong đó phải kể đến:
- Trẻ biếng ăn do tâm lý: mọi biện pháp ép con ăn từ dọa nạt đến đánh mắng đều ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con. Khi con có tâm lý sợ sệt và không thoải mái, con sẽ không thể thưởng thức bữa ăn trọn vẹn được và thường có xu hướng né tránh trước các bữa ăn.
- Chế độ ăn uống chưa khoa học, thức ăn không hợp khẩu vị bé: Mỗi bữa ăn mẹ nên quan sát xem bé ưa thích món gì, vị món đó ra sao… để có thể thay đổi đa dạng món ăn cho bé. Đồng thời chế độ ăn của bé cũng nên được cân bằng giữa bốn nhóm chất chính: đạm – chất béo- tinh bột – vitamin và khoáng chất.

- Hệ tiêu hóa của trẻ kém: nếu mẹ thấy con hấp thu kém, no lâu, không có cảm giác thèm ăn, rất có thể hệ tiêu hóa của trẻ đang có vấn đề. Mẹ có thể cho bé đi khám hoặc bổ sung thêm menvi sinh hợp lí cho trẻ.
- Thiếu vi chất cũng khiến trẻ biếng ăn: Vitamin nhóm B và những vi chất như kẽm, selen có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Thiếu những vi chất này trong thời gian dài có thể khiến cơ thể trẻ suy giảm hệ miễn dịch, thấp còi, suy dinh dưỡng và hay mắc các bệnh đường hô hấp…
- Trẻ biếng ăn do bệnh lý: Nếu trẻ đang bị mắc các bệnh ốm vặt, sốt mọc răng, cơ thể trẻ sẽ có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc, không muốn ăn uống gì. Mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế khám chữa kịp thời. Tránh để tình trạng bé biếng ăn theo giai đoạn do ốm mệt thì sức đề kháng của trẻ càng kém.
Mẹ nên và không nên làm gì khi bé chán ăn
Những điều nên làm khi bé chán ăn
- Xác định đúng nguyên nhân bé chán ăn, từ đó mẹ mới có thể áp dụng cách làm hiệu quả giúp bé hết biếng ăn.
- Khẩu phần ăn của trẻ nên được đa dạng và đủ chất. Mẹ không nên thiên lệch một nhóm chất nào, ví dụ như tập trung cho trẻ ăn nhiều đạm thịt trong các bữa cũng khiến hệ tiêu hóa của trẻ khó tiêu hơn.
- Cùng con xem các chương trình nấu ăn gia đình, mẹ có thể rủ con thực hiện lại các món ăn mà con đã xem và thấy thích thú. Quá trình được tham gia nấu ăn cùng mẹ, bé được khám phá thêm về các loại thực phẩm như rau củ quả, trứng , thịt… và các loại gia vị. Bé chắc chắn sẽ thấy hào hứng khi được tự thử món ăn mà mình đã cùng mẹ nấu như thế nào.

Mẹ cùng các con nấu ăn sẽ giúp bé thích thúc với các món ăn và ăn ngon miệng hơn.
- Thời gian biểu các bữa ăn chính và phụ của trẻ nên được sắp xếp khoa học. Tránh tình trạng thời gian giữa các bữa của trẻ quá gần nhau, khiến trẻ không có cảm giác đói.
- Hạn chế đồ ăn vặt: dinh dưỡng trong các đồ ăn vặt như bim bim, nước ngọt có ga, bánh kẹo thường có lượng đường, mỡ, và độ mặn cao. Đồ ăn vặt sẽ khiến bé chán ăn bữa chính do bị cảm giác no ”ảo”, lâu ngày trẻ sẽ nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng, hoặc thừa cân béo phì.
- Tạo niềm vui trong các bữa ăn cho trẻ: việc tạo hình đồ ăn bắt mắt cũng là một điểm cộng giúp trẻ có hứng thú với bữa ăn hơn. Thêm vào đó, không khí gia đình vui vẻ, bố mẹ cũng con thưởng thức bữa ăn, khích lệ con ăn món mới sẽ giúp con thoải mái hơn, ăn được nhiều hơn.
- Vận động mỗi ngày cùng con là một gợi ý tuyệt vời. Trong quá trình vận động thể dục thể thao, bé sẽ được tăng cường hơn sự trao đổi chất, bé nhanh đói hơn và không còn cảm giác chán ăn khi tới bữa.
- Mẹ nên bổ sung cho con thêm các loại men tiêu hóa hay các sản phẩm bổ sung giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho bé

Mẹ có thể sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe đối với những bé trên 1 tuổi.
Những điều không nên làm khi bé chán ăn
- Việc la mắng, thúc ép trẻ ăn là việc đầu tiên không nên làm khi trẻ không chịu ăn. Ép con ăn khiến tâm lý của con rất hoảng sợ mỗi khi tới bữa ăn. Con sợ hãi kèm khóc lóc càng dễ bị nôn ọe trong khi ăn như vậy tình trạng trẻ biếng ăn chậm lớn càng kéo dài.
- Không nên dụ trẻ ăn bằng cách cho trẻ xem tivi, điện thoại. Việc nạp thức ăn một cách thụ động như vậy bé sẽ không thưởng thức được hương vị của món ăn, đồng thức lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và thị giác của trẻ.

Vừa ăn vừa xem điện thoại khiến con ăn thụ động, ảnh hưởng đến sức khỏe của con nhỏ.
- Trẻ vừa ăn cơm vừa uống nước lọc, sẽ khiến bé nhanh no. Mẹ không nên để trẻ uống nước lọc khi ăn cơm, mà nên khéo léo chuẩn bị cho trẻ một bát canh hầm hay nước rau nhỏ xinh ở bên cạnh, giúp con ăn cơm không bị khô và nghẹn.
- Không nên cho trẻ uống sữa ngay sau bữa ăn vì sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ. Thời gian uống sữa hợp lí nhất cho bé là khoảng trước bữa ăn 1-2 giờ.
- Không nên lặp lại món ăn dù đó là món trẻ rất thích, vì như vậy trẻ sẽ bị thiếu lệch các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các mẹ có những thay đổi mới trong việc trị lười ăn cho trẻ. Chúc các gia đình luôn vui vẻ trong các bữa ăn!